Skip to content
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

TRUNG TÂM NGOẠI NGỮ VÀ HỢP TÁC ĐÀO TẠO

0888227398

ttnn.xhnv@vnu.edu.vnttnn.xhnv@vnu.edu.vn
  • Home
  • GIỚI THIỆU
  • Tin tức – Sự kiện
  • Đào tạo ngoại ngữ
    • Tiếng Anh
    • Tiếng Trung
    • Tiếng Hàn
    • Tiếng Nhật
  • Kỹ năng mềm
  • Dịch vụ khác
  • Thư viện – Tài liệu
  • Liên hệ
  • Home1
  • English
Close Menu

Tin tức – Sự kiện

Tin tức – Sự kiện

Xu hướng học nghề sớm sau bậc THCS của học sinh

2 Tháng Sáu, 2022Tin tức - Sự kiện(0)

Với mô hình đào tạo 9+ sau khi tốt nghiệp cấp 2, học sinh rút ngắn thời gian học nghề và có cơ hội đi làm sớm.

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tính đến giữa năm 2021, cả nước có hơn 300.000 học sinh THPT vừa học văn hóa, vừa học nghề, cung cấp nguồn nhân lực quan trọng cho thị trường lao động.

“Ngày càng có một bộ phận lớn người dân ý thức được rằng sau THCS, có thể cân nhắc việc định hướng cho các em tham gia thị trường lao động sớm, nhằm trang bị trình độ chuyên môn kỹ thuật, năng lực, cơ hội việc làm, thu nhập cao hơn”, ông Lê Đông Phương – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giáo dục Đại học và Nghề nghiệp, Viện nghiên cứu Giáo dục Việt Nam, chia sẻ.

Ông Phương đánh giá, đây là xu thế phát triển tự nhiên, khi nhiều gia đình đã không còn bệnh “ảo tưởng” về thành tích học của con cái, thay vào đó hiểu rõ hơn về khả năng của các em, hướng nghiệp từ sớm để có sự lựa chọn nghề nghiệp ổn định và hướng đi chắc chắn.

Theo ông Phạm Vũ Quốc Bình – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, xu hướng học tập, đào tạo gần đây chuyển dần từ thời gian dài sang ngắn, diện hẹp sang diện rộng, tức là đi từ kiến thức bao quát đến chuyên sâu, từ đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo tín chỉ nhằm tạo ra sự linh hoạt cho người học. Việc phân luồng học sinh sau THCS trở thành một trong những chiến lược quan trọng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực của Nhà Nước.

Cũng theo số liệu từ Tổng cục nghề nghiệp, tổng phân luồng học sinh sau THCS vào giáo dục nghề nghiệp chiếm khoảng 15%. Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu về phân luồng sau THCS và sau THPT vào giáo dục nghề nghiệp đạt 30% vào 2030.

Một nhóm học sinh FPT Polytechnic đang trao đổi bài tập. Ảnh: FPT Polytechnic
Một nhóm học sinh FPT Polytechnic đang trao đổi bài tập. Ảnh: FPT Polytechnic

Cũng theo đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, mô hình giáo dục nghề nghiệp đã là xu hướng tại nhiều quốc gia trên thế giới, điển hình là Đức. Quốc gia này đã phân luồng tới 70% học sinh sau cấp 2 đi tiếp con đường học nghề, thực hành, đưa các em trở thành “thợ lành nghề”, được trọng vọng trong doanh nghiệp. Trong khi đó, nhiều quốc gia châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang thúc đẩy nhanh đào tạo lượng lao động có kinh nghiệm, thích nghi cao trong thời đại công nghiệp hóa.

Tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu tiếp cận nghề từ sớm, cũng như định hướng về phân luồng học sinh THCS của Nhà nước, FPT là một trong những đơn vị tiên phong triển khai mô hình đào tạo 9+, dành riêng cho học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS muốn trực tiếp học lên hệ Cao đẳng.

Cụ thể, thay vì mất ba năm học THPT và ba năm học Cao đẳng như lộ trình truyền thống, sinh viên học Cao đẳng tại Phổ thông Cao đẳng – FPT Polytechnic chỉ mất 4 năm để nhận được tấm bằng Cao đẳng chính quy.

ThS. Bùi Quang Hùng, Giám đốc Phổ thông Cao đẳng – FPT Polytechnic cho biết, với tiêu chí “học nhanh – làm sớm”, mô hình Phổ thông Cao đẳng giúp người học có thể tốt nghiệp ở tuổi 19 với tấm bằng Cao đẳng chính quy sau 4 năm học, sau đó có thể lựa chọn làm việc ngay tại doanh nghiệp hoặc hướng tới các bậc đào tạo cao hơn.

Theo vị này, 97,7% sinh viên tốt nghiệp tại trường có việc làm trong vòng một năm. Mô hình này cũng nhận nhiều phản hồi tích cực của phụ huynh và học sinh trên toàn quốc khi ra mắt từ năm 2019.

Nhiều hoạt động ngoại khóa tại Phổ thông Cao đẳng - FPT Polytechnic giúp sinh viên cân bằng việc học và chơi, phát huy thế mạnh, tăng sự tự tin.
Nhiều hoạt động ngoại khóa tại Phổ thông Cao đẳng – FPT Polytechnic giúp sinh viên cân bằng việc học và chơi, phát huy thế mạnh, tăng sự tự tin. Ảnh: FPT Polytechnic

Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, học sinh sau lớp 9 chuyển vào học chương trình văn hóa và trung cấp sau đó nối tiếp cao đẳng như mô hình đào tạo của Phổ thông Cao đẳng – FPT Polytechnic có lợi thế cạnh tranh lớn khi gia nhập thị trường lao động. Bên cạnh việc thời gian đào tạo được rút ngắn, các em còn được trang bị kỹ năng, trở thành các lao động có nghề, lành nghề, thay vì học hết lớp 12 vẫn hoang mang về nghề nghiệp hay mất thời gian quay trở lại học.

“Quan trọng nhất là phù hợp với khả năng. Trong quá trình làm nghề, các em vẫn có cơ hội học tiếp”, ông Bình cho biết.

Trong thị trường lao động cạnh tranh và hội nhập, mô hình này giúp người học không chỉ trang bị kiến thức chuyên môn, mà còn phát triển kỹ năng mềm như làm việc nhóm, hợp tác, tự học, kỹ năng cảm xúc. “Ngoài ra có 2 kỹ năng quan trọng là kỹ năng số và trình độ ngoại ngữ phù hợp với môi trường làm việc quốc tế. Công tác phân luồng càng sớm càng tránh nhiều lãng phí, góp phần định hướng và rèn luyện các kỹ năng cho các em”, đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nói.

Việt Nam giành ba huy chương vàng Olympic Tin học châu Á

2 Tháng Sáu, 2022Tin tức - Sự kiện(0)

Ba học sinh dự thi Olympic Tin học châu Á – Thái Bình Dương giành huy chương vàng, bốn em đoạt bạc giúp Việt Nam có thành tích tốt nhất từ trước đến nay ở cuộc thi này.

Tối 1/6, Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết cả bảy học sinh trong đội tuyển Việt Nam dự kỳ thi Olympic Tin học châu Á – Thái Bình Dương đều đoạt huy chương.

Ba em giành huy chương vàng gồm Trương Văn Quốc Bảo (lớp 12 THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An), Dương Minh Khôi (lớp 12 THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), Trần Xuân Bách (lớp 11, THPT chuyên Khoa học Tự nhiên).

Bốn huy chương bạc thuộc về các em Lê Hữu Nghĩa (lớp 12 THPT chuyên Bình Long, Bình Phước), Nguyễn Nhật Minh (lớp 12 THPT chuyên Khoa học Tự nhiên), Vũ Huy Hoàng (lớp 12 THPT chuyên Hạ Long, Quảng Ninh), Trần Khôi Nguyên (lớp 12 THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội).

Sau 10 năm tham gia Olympic Tin học châu Á – Thái Bình Dương, đây là năm học sinh Việt Nam đạt kết quả tốt nhất. So với năm ngoái với hai huy chương vàng, một bạc và ba đồng, kết quả này cũng vượt xa.

Những học sinh tạo nên kết quả tốt nhất cho Việt Nam ở cuộc thi Olympic Tin học châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: MOET
Những học sinh tạo nên kết quả tốt nhất cho Việt Nam ở cuộc thi Olympic Tin học châu Á – Thái Bình Dương. Ảnh: MOET

Olympic Tin học châu Á – Thái Bình Dương năm 2022 được tổ chức theo hình thức trực tuyến; Ai cập là nước đăng cai. Đội tuyển quốc gia Việt Nam gồm 15 thí sinh, thi trực tuyến tại Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội ngày 29/5. Theo quy định của ban tổ chức, Việt Nam được chọn bảy thí sinh đạt điểm cao nhất tham gia xét giải.

Cùng với các thí sinh Việt Nam, có 881 thí sinh của 34 quốc gia và vùng lãnh thổ khác được tham gia cuộc thi này. Trong đó, 186 em đoạt giải với 17 huy chương vàng, 74 bạc và 95 đồng. Chỉ có sáu quốc gia và vùng lãnh thổ có huy chương vàng, ngoài Việt Nam giành ba, Trung Quốc đoạt sáu, Nga đoạt năm, ba đội tuyển còn lại là Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan mỗi đội đoạt một.

Hôm qua, ban tổ chức cuộc thi Olympic Vật lý châu Á – Thái Bình Dương cũng đã công bố kết quả với một em đoạt huy chương bạc, hai đồng và sáu bằng khen. Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá kết quả ở hai cuộc thi này cho thấy sự nỗ lực của học sinh, giáo viên và các nhà trường trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Link bài viết: https://vnexpress.net/viet-nam-gianh-ba-huy-chuong-vang-olympic-tin-hoc-chau-a-4470874.html

Tuyển sinh thạc sĩ: Chỉ đánh giá hồ sơ và phỏng vấn thí sinh

10 Tháng Sáu, 2022Tin tức - Sự kiện(0)

Ban Biên tập Website trân trọng giới thiệu bài viết từ báo Dân trí về thay đổi phương thức thi tuyển sinh thạc sĩ ở 44 chuyên ngành của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội.

PGS.TS. Đặng Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, năm nay nhà trường áp dụng phương thức xét tuyển đầu vào Cao học bằng hình thức đánh giá hồ sơ và phỏng vấn thí sinh cho toàn bộ 44 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, thay thế nội dung thi truyền thống, thí sinh phải viết luận 2 môn cơ bản và cơ sở, mỗi môn 180 phút như trước đây.
 


Bà Hương cho hay, qua quá trình phỏng vấn, Nhà trường sẽ đánh giá được thí sinh toàn diện hơn về kiến thức, các kỹ năng giao tiếp, tư duy cũng như động lực học tập, bên cạnh kết quả điểm số thể hiện trong hồ sơ ứng tuyển. Đồng thời, Nhà trường cũng nắm được tâm tư, nguyện vọng và kế hoạch học tập, nghiên cứu và phát triển của thí sinh để có thể đồng hành, hỗ trợ học viên tốt hơn trong quá trình học tập sau này tại Trường, nếu học viên đáp ứng các yêu cầu xét tuyển. Đây cũng là phương thức tuyển sinh Sau đại học được các trường đại học hàng đầu trên thế giới áp dụng nhiều năm nay.

Bà Hương cũng cho biết thêm, năm 2022, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ban hành nhiều chính sách mới hỗ trợ người học và thu hút nguồn đầu vào chất lượng cao. Nhà trường áp dụng chính sách tuyển thẳng đặc biệt, theo đó, sinh viên bằng khá trở lên của tất cả các ngành đã kiểm định theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc các tổ chức kiểm định có uy tín trên thế giới (AUN-QA, ABET…) đều được tuyển thẳng Cao học, chẳng hạn các ngành Văn học, Tâm lý học, Xã hội học, Chính trị học, Lịch sử, Việt Nam học, Quốc tế học và Lưu trữ học.

Sinh viên bằng giỏi trở lên không chỉ được tuyển thẳng theo ngành đúng mà còn được lựa chọn để tuyển thẳng vào các ngành phù hợp. Chẳng hạn, tốt nghiệp bằng giỏi trở lên ngành Báo chí, Truyền thông đa phương tiện, Truyền thông quốc tế, Quan hệ công chúng đều được xét tuyển thẳng ngành Báo chí hay Quản trị Báo chí Truyền thông.

Sinh viên ngành Du lịch, Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành, Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống được xét tuyển thẳng ngành Du lịch.

Sinh viên ngành Chính trị học, Xây dựng đảng và chính quyền nhà nước, Quản lý Nhà nước, Quan hệ quốc tế được xét tuyển thẳng ngành Chính trị học, hoặc Hồ Chí Minh học…

Sinh viên bằng Giỏi trở lên ngành đúng hoặc ngành phù hợp đều được đăng ký dự tuyển tiến sĩ.

Bên cạnh đó, có 13 chuyên ngành đặc thù được tuyển sinh theo cơ chế riêng, theo đó thí sinh tất cả các ngành: Báo chí học (định hướng ứng dụng), Chính sách công; Chính trị học (định hướng ứng dụng); Công tác xã hội (định hướng ứng dụng); Du lịch học; Khoa học thông tin thư viện (định hướng ứng dụng); Lí luận, lịch sử điện ảnh truyền hình; Quản lí KHCN (định hướng nghiên cứu); Quản lí KHCN (định hướng ứng dụng); Quản lí văn hóa; Quản trị văn phòng (định hướng ứng dụng); Quản trị báo chí truyền thông; Tôn giáo học (định hướng ứng dụng).

Tuy nhiên, thí sinh phải đáp ứng các yêu cầu về năm kinh nghiệm và số học phần chuyển đổi bổ túc kiến thức, theo đặc thù của từng ngành.

Link bài viết: https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/tuyen-sinh-thac-si-chi-danh-gia-ho-so-va-phong-van-thi-sinh-

Để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, Nhà trưởng mở cổng tuyển sinh sau đại học (http://tssdh.vnu.edu.vn) cho thí sinh đăng ký online và ứng viên chỉ phải nộp văn bản hồ sơ sau khi thi đỗ, trúng tuyển vào trường.

Trường đại học tuyển sinh đầu vào Cao học bằng hình thức phỏng vấn

6 Tháng Sáu, 2022Tin tức - Sự kiện(0)

Từ tháng 6.2022, Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) áp dụng phương thức tuyển sinh đầu vào Cao học bằng hình thức đánh giá hồ sơ và phỏng vấn thí sinh cho toàn bộ 44 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ.

Trường đại học tuyển sinh đầu vào Cao học bằng hình thức phỏng vấn
Trường Đại học Khoa học và Nhân văn trao bằng thạc sĩ cho học viên.

Hình thức mới này sẽ thay thế nội dung thi truyền thống trước khi gồm thi viết luận 2 môn cơ bản và cơ sở, mỗi môn 180 phút.

Theo PGS.TS. Đặng Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng nhà trường: “Qua quá trình phỏng vấn, nhà trường sẽ đánh giá được thí sinh toàn diện hơn về kiến thức, các kỹ năng giao tiếp, tư duy cũng như động lực học tập, bên cạnh kết quả điểm số thể hiện trong hồ sơ ứng tuyển. Đồng thời, nhà trường cũng nắm được tâm tư, nguyện vọng và kế hoạch học tập, nghiên cứu và phát triển của thí sinh để có thể đồng hành, hỗ trợ học viên tốt hơn trong quá trình học tập sau này tại trường, nếu học viên đáp ứng các yêu cầu xét tuyển. Đây cũng là phương thức tuyển sinh sau đại học được các trường đại học hàng đầu trên thế giới áp dụng nhiều năm nay”.

Năm 2022, Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn có nhiều chính sách mới hỗ trợ người học và thu hút nguồn đầu vào chất lượng cao. Nhà trường áp dụng chính sách tuyển thẳng đặc biệt, theo đó, sinh viên bằng khá trở lên của tất cả các ngành đã kiểm định theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc các tổ chức kiểm định có uy tín trên thế giới (AUN-QA, ABET…) đều được tuyển thẳng Cao học, chẳng hạn các ngành Văn học, Tâm lý học, Xã hội học, Chính trị học, Lịch sử, Việt Nam học, Quốc tế học và Lưu trữ học.

Sinh viên bằng giỏi trở lên không chỉ được tuyển thẳng theo ngành đúng mà còn được lựa chọn để tuyển thẳng vào các ngành phù hợp. Chẳng hạn, tốt nghiệp bằng Giỏi ngành Du lịch, Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành, Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống đều được xét tuyển thẳng ngành Du lịch. Sinh viên ngành Chính trị học, Xây dựng đảng và chính quyền nhà nước, Quản lý Nhà nước, Quan hệ quốc tế được xét tuyển thẳng ngành Chính trị học, hoặc Hồ Chí Minh học. Sinh viên bằng Giỏi trở lên ngành đúng hoặc ngành phù hợp đều được đăng ký dự tuyển tiến sĩ.

Bên cạnh đó, có 13 chuyên ngành đặc thù sẽ tuyển đầu vào thí sinh tất cả các ngành (sau khi học chuyển đổi bổ túc kiến thức), gồm: Báo chí học (định hướng ứng dụng), Chính sách công; Chính trị học (định hướng ứng dụng); Công tác xã hội (định hướng ứng dụng); Du lịch học; Khoa học thông tin thư viện (định hướng ứng dụng); Lí luận, lịch sử điện ảnh truyền hình; Quản lí KHCN (định hướng nghiên cứu); Quản lí KHCN (định hướng ứng dụng); Quản lí văn hóa; Quản trị văn phòng (định hướng ứng dụng); Quản trị báo chí truyền thông; Tôn giáo học (định hướng ứng dụng).

Với thế mạnh của trường đại học hàng đầu trong nghiên cứu, đào tạo các ngành khoa học xã hội và nhân văn của Việt Nam, nhà trường có nhiều chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy công bố quốc tế và hỗ trợ đào tạo tiến sỹ, trong đó, tổ chức nhiều hội thảo quốc tế và xuất bản kỷ yếu có chỉ số ISBN bằng tiếng nước ngoài.

Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, nhà trưởng mở cổng tuyển sinh sau đại học cho thí sinh đăng ký online và ứng viên chỉ phải nộp văn bản hồ sơ sau khi thi đỗ, trúng tuyển vào trường.

Trẻ lớp 1 viết xấu, phụ huynh đau đầu tìm lớp học thêm

2 Tháng Sáu, 2022Tin tức - Sự kiện(0)

Một ngày cuối tháng 5, sau giờ ăn tối, chị Phương Thùy (Cầu Giấy, Hà Nội) “tá hoả” khi mở vở luyện viết của con ra xem.

Cô bé viết nghiêng ngả, trồi lên trụt xuống, khi to khi nhỏ, chữ nọ nối chữ kia ngoằn ngoèo như ký tự tiếng Thái Lan. Lo sợ ba tháng nghỉ hè sẽ khiến con cứng tay, không theo kịp lớp khi vào năm học mới, chị dự định tìm nơi rèn chữ cho con.

Anh Ngọc Hải (Hai Bà Trưng, Hà Nội), phụ huynh cháu Bảo Khang, cũng từng bất ngờ và thất vọng khi một ngày được giao nhiệm vụ trông con học bài. Anh phát hiện Bảo Khang đang… vẽ chữ. Chữ O nét cong tròn khép kín, thay vì được viết bắt đầu từ trên xuống ngược chiều kim đồng hồ, Khang lại móc nét từ đáy lên đúng chiều kim đồng hồ.

“Đó không phải là chữ viết”, anh Hải nói và chia sẻ đã cho con học luyện chữ đẹp từ tháng 3 với mức phí 200-300 nghìn đồng một buổi.

Chữ viết không đúng chuẩn ô li của một học sinh. Ảnh: Giáo viên cung cấp
Chữ viết không đúng chuẩn ô li của một học sinh. Ảnh: Giáo viên cung cấp

Chịu ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch, lứa lớp 1 trên cả nước vừa trải qua phần lớn thời gian học trực tuyến trong năm học 2021-2022. Hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM cho trẻ tiểu học ở nhà lâu nhất. Các em chỉ đến trường học trực tiếp trong 2-3 tháng cuối năm. Bối cảnh này được các giáo viên đánh giá là ảnh hưởng lớn đến chất lượng học tập của trẻ lớp 1, đặc biệt ở nội dung tập viết.

Cô Lương Ngọc Anh, giáo viên Tiểu học Times School (Hà Nội) cho biết, khi học online, giáo viên sẽ quay video, ghi lại chuyển động của bàn tay, ngón tay, cách cầm bút… xen lẫn lời giảng để hướng dẫn học sinh. Song, học sinh không phải lúc nào cũng tập trung vào bài giảng. Do đó, khi trực tiếp viết, các em cầm bút chưa đúng cách, trình bày sai quy chuẩn.

Cô Ngọc Anh chia sẻ thêm, việc dạy viết cho trẻ lớp một đòi hỏi quy trình tỉ mỉ, gồm ba bước. Bước một, giáo viên cho học sinh quan sát mẫu chữ, nhận xét độ rộng và độ cao. Bước hai, giáo viên viết mẫu, kết hợp hướng dẫn học sinh bằng lời. Bước ba, học sinh viết vào bảng con hoặc vở.

Yêu cầu về chữ viết đối với học sinh lớp 1 gồm: viết đúng chữ thường, cỡ vừa, cỡ nhỏ và viết đúng chữ in hoa; viết liền mạch các chữ cái trong vần và tiếng; viết đúng chữ số (từ 0 đến 9); viết đúng quy tắc các chữ có tiếng mở đầu bằng c, k, q, g, gh, ng, ngh; viết đúng chính tả đoạn thơ, đoạn văn có độ dài khoảng 30-35 chữ theo các hình thức nhìn – viết (tập chép), nghe – viết, tốc độ viết khoảng 30-35 chữ/15 phút và học sinh không mắc quá 5 lỗi.

Một đoạn tập viết với nhiều lỗi chính tả của học sinh. Ảnh: Giáo viên cung cấp
Một đoạn tập viết với nhiều lỗi chính tả của học sinh. Ảnh: Giáo viên cung cấp

Cô Thanh Huyền, giáo viên dạy lớp 1 ở quận Nam Từ Liêm cho biết, năm nay, 60% học sinh lớp 1 của trường viết chữ không đạt yêu cầu. Trong khi, con số này những năm trước đó chỉ là 25-30%.

Còn cô Đặng Huyền Phong – Hiệu trưởng Tiểu học I-sắc Niu-tơn (Hoàng Quốc Việt, Bắc Từ Liêm) không đưa ra thống kê cụ thể nhưng cũng cho biết: “Năm nay, số lượng các con viết chưa đẹp nhiều hơn”.

Lường trước được những bất cập trong việc học online, chị Hồng Vân – phụ huynh trường Tiểu học Hòa Bình (Quận 11, TP HCM) – đã dành thời gian kèm con trai luyện viết ở nhà nhưng cậu bé không hợp tác. Quá trình học lại trực tuyến ít hiệu quả nên cậu vẫn viết ngoằn ngoèo, hụt trên thiếu dưới.

“Mình bất lực, còn con mỗi khi tới giờ học online là nước mắt hai hàng. May sao, một thời gian đi học trở lại, chữ viết của con cải thiện được 80%”, chị nói. Tuy vậy, chị vẫn tìm nơi gửi con luyện chữ thêm, để con viết đúng, đẹp hơn.

Chị Phương Loan, giáo viên chuyên dạy viết chữ đẹp khu vực Hoàng Mai, Gia Lâm, Long Biên cho hay, nhu cầu rèn chữ cho trẻ tăng đột ngột ngay từ đầu hè này. “Từ cuối tháng 4, đầu tháng 5, học sinh chưa kết thúc nghỉ hè, số lượng phụ huynh đăng ký cho con luyện chữ đã tăng 20-30% so với cùng thời điểm các năm trước”, chị nói.

Tại nhiều hội nhóm của phụ huynh tiểu học trên mạng xã hội, từ đầu tháng 4, hoạt động rủ nhau gom nhóm, mở các lớp luyện chữ để thuê cô về dạy chung cũng diễn ra sôi động. Phần lớn các cha mẹ muốn tổ chức lớp 3-5 trẻ, học tuần 2-3 buổi, vừa giúp các con giao lưu với bạn bè, vừa ôn luyện chữ viết.

Giáo viên tiểu học trực tiếp uốn nắn học sinh viết chữ trong giờ dạy trực tiếp. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Giáo viên tiểu học trực tiếp uốn nắn học sinh viết chữ trong giờ dạy trực tiếp. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo cô Ngọc Anh, để trẻ viết được chữ đẹp, đúng cách, không gây hại tới thị lực và xương sống, bên cạnh cách cầm bút, tư thế ngồi rất quan trọng. Giáo viên hoặc phụ huynh cần hướng dẫn các em dáng ngồi ngay ngắn; lưng thẳng, không tì ngực vào bàn hay nằm rạp xuống; đầu hơi cúi và nghiêng sang trái; hai mắt cách vở 25-30cm; hai chân để thoải mái, rộng bằng vai, song song với nhau, trọng lượng cơ thể dồn vào vùng hông và đùi; hai tay thoải mái.

Học sinh cầm bút bằng ba ngón tay: ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa. Trong đó, ngón cái giữ bên trái thân bút. Ngón trỏ đặt ở giữa thân bút, cách đầu ngòi bút khoảng 2 cm. Ngón cái và ngón trỏ có vai trò điều khiển hướng đi của bút. Ngón tay giữa đặt ở phía bên phải để đỡ bút.

Sau khi đã cầm bút đúng cách, học sinh cần giữ cổ tay cho thẳng. Hướng đặt bút theo hướng ngồi, góc bút nghiêng khoảng 45 độ so với mặt giấy. Dùng các ngón tay và cơ cổ tay để điều khiển bút khi viết. Hướng đưa bút là từ trái sang phải, từ trên xuống dưới. Cánh tay và cổ tay cần phối hợp nhịp nhàng với nhau để di chuyển bút theo chiều ngang.

Nữ giáo viên chia sẻ, chữ viết của trẻ lớp 1 có thể tốt lên nhờ quá trình luyện tập. Vì vậy, phụ huynh không nhất thiết phải bắt con học thêm hè, mà có thể khuyến khích các con tự luyện viết tại nhà, theo đúng các quy tắc trên.

Việc luyện thực hành đều đặn, thường xuyên mỗi ngày sẽ giúp trẻ nhớ lâu và giúp cơ ngón tay, cổ tay linh hoạt hơn. “Trăm hay không bằng tay quen, luyện viết đều đặn giúp trẻ hoàn thiện các lỗi sai; từ đó, viết chữ đẹp hơn từng ngày”, cô Ngọc Anh chia sẻ.

Thông tin kỳ đánh giá NLNN của Đại học Quốc Gia

7 Tháng Sáu, 2022Thư viện - Tài liệu(0)
CV-DGNLNN-486TB_SV-va-HV-DHQG-thi_tu-01.5.22-30.4.23_WebTải xuống

Thí sinh F0 được thi tốt nghiệp THPT 2022

2 Tháng Sáu, 2022Tin tức - Sự kiện(0)

Thí sinh F0 được đặc cách tốt nghiệp THPT nhưng vẫn có thể tham gia thi để lấy điểm xét tuyển đại học, cao đẳng nếu có nhu cầu.

Công văn hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2022, được Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi các địa phương ngày 30/5 cho biết, những thí sinh bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được chia thành ba nhóm.

Thí sinh F0 có giấy xác nhận của cơ sở y tế (nếu được theo dõi, điều trị nội trú tại cơ sở y tế) hoặc của địa phương (điều trị tại nhà) được đặc cách tốt nghiệp THPT 2022. Trong trường hợp có nguyện vọng, các em cần nộp đơn xin dự thi, cam kết tuân thủ các quy định phòng, chống dịch và được cha, mẹ hoặc người giám hộ xác nhận đồng ý. Nhóm thí sinh này sẽ được dự thi tại các phòng riêng.

Một thí sinh đeo kính chắn giọt bắn trong buổi làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT 2021 ở TP HCM. Ảnh: Hữu Khoa
Một thí sinh đeo kính chắn giọt bắn trong buổi làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT 2021 ở TP HCM. Ảnh: Hữu Khoa

Với nhóm thuộc diện nghi ngờ, các em cũng được thi trong phòng riêng. Tuy nhiên, nếu gặp khó khăn trong việc sắp xếp, bố trí phòng, hội đồng thi sẽ tổ chức xét nghiệm nhanh cho những thí sinh nghi ngờ vào ngày 6/7 (một ngày trước khi thi).

Những thí sinh có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính sẽ thi cùng những bạn không nhiễm bệnh. Nếu dương tính, các em thi cùng thí sinh F0 tại phòng thi riêng.

Thí sinh F1 được dự thi bình thường, hội đồng thi không cần bố trí phòng riêng.

Cả ba nhóm thí sinh này phải đeo khẩu trang trong thời gian diễn ra các buổi thi và trong quá trình di chuyển. Hướng dẫn của Bộ cũng yêu cầu các hội đồng thi chuẩn bị đủ số lượng cán bộ coi thi, giám sát và cơ sở vật chất (quần áo bảo hộ, khẩu trang, nước rửa tay…) nhằm đảm bảo an toàn cho các thầy cô trong việc phòng, chống dịch.

Trước đó từ cuối tháng 4, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cân nhắc việc cho thí sinh F0 dự thi cùng đợt với những em khác, nhằm tránh lãng phí nhân lực và vật lực vào việc triển khai thêm đợt thi. Bộ Y tế đầu tháng 5 cũng đưa ra đề xuất tương tự.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 diễn ra vào 7-8/7 với hơn một triệu thí sinh tham dự, ít hơn năm ngoái khoảng 14.000.

Trong hơn một triệu thí sinh đăng ký dự thi, hơn 859.500 em sẽ dùng kết quả để vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển đại học (chiếm 85,87%). Số thí sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp THPT là gần 103.400 (chiếm 10,33%). Số chỉ xét tuyển đại học và xét vào các trường cao đẳng sư phạm là hơn 33.100 (chiếm 3,81%).

Các bài thi được giữ nguyên như những năm gần đây với ba bài độc lập Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ cùng hai bài tổ hợp là Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông; hoặc Lịch sử, Địa lý đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên).

(Nguồn: Vnexpress)

Thêm chương trình quốc tế cho sinh viên tại miền Trung

2 Tháng Sáu, 2022Tin tức - Sự kiện(0)

Sinh viên Đà Nẵng và các tỉnh lân cận có cơ hội theo học chương trình đại học từ ĐH Công nghệ Swinburne, trường xếp hạng top 321 thế giới, theo QS Rankings 2022.

Theo Tiến sĩ Hoàng Việt Hà – Giám đốc Swinburne Việt Nam, một trong những lý do đặt cơ sở đào tạo tại Đà Nẵng vì đây là trung tâm giao lưu không chỉ của Việt Nam mà còn của cả quốc tế. Điều đó giúp sinh viên có cơ hội học tập kết hợp trải nghiệm quốc tế.

Phối cảnh 3D học xá mới của Swinburne Việt Nam tại Đà Nẵng.
Phối cảnh 3D học xá mới của Swinburne Việt Nam tại Đà Nẵng.

Swinburne Việt Nam – ngôi trường với sự tham gia học tập của nhiều thế hệ quán quân “Đường lên đỉnh Olympia” mở thêm học xá tại Đà Nẵng từ cuối năm 2021.

Học xá mới sẽ đào tạo các khối ngành có triển vọng và cơ hội việc làm tốt hiện nay như kinh doanh, công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện, khoa học máy tính. Toàn bộ giảng viên đều tuân thủ theo tiêu chuẩn giảng dạy quốc tế khắt khe của Swinburne. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ được nhận bằng đại học trực tiếp từ Đại học Công nghệ Swinburne (Swinburne University of Technology – Australia).

Theo ông Hoàng Hà, sự khác biệt của sinh viên Swinburne Việt Nam là khả năng sáng tạo trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, qua đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế và xã hội không chỉ tại Việt Nam mà còn trên thị trường quốc tế.

Sinh viên sẽ được đào tạo bằng tiếng Anh, được học các kỹ năng công dân toàn cầu và có thể sáng tạo ứng dụng các công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đó, sinh viên sẽ có khả năng làm việc trong môi trường kết nối toàn cầu – xu hướng không thể “đảo ngược” của thời đại mới.

Điểm mạnh trong chương trình đào tạo của Swinburne Việt Nam là sự kết nối doanh nghiệp ngay từ những học kỳ đầu tiên. Sinh viên sẽ được học với những chuyên gia ở cả trong lớp học và ngoài lớp học. Điều này giúp tăng khả năng ứng dụng thực tiễn và cơ hội việc làm cho sinh viên.

Đà Nẵng – điểm đến của nhiều hoạt động giao lưu quốc tế

Từng lọt vào danh sách “10 thành phố đáng sống nhất thế giới” theo Tạp chí du lịch danh tiếng Live and Invest Overseas, Đà Nẵng không chỉ là điểm đến hấp dẫn du khách quốc tế mà còn là điểm trải nghiệm thu hút nhiều bạn trẻ.

Theo bà Kathleen Peddicord – Nhà sáng lập Live and Invest Overseas, sự hấp dẫn đó có được bởi thành phố lớn thứ ba Việt Nam là sự kết hợp hoàn hảo giữa dư vị quá khứ và tinh thần đổi mới hiện đại.

“Kết quả là một nền kinh tế đang rực cháy, được dẫn dắt bởi các nhà quản lý có tư tưởng tiến bộ, nhiều người được đào tạo ở nước ngoài, với tinh thần kinh doanh chưa từng có trong khu vực”, bà viết.

Nơi đây cũng là điểm thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đang có ý định mở rộng sản xuất và đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao như Mỹ, Nhật, Singapore, Hàn Quốc…Điều này đã góp phần làm thay đổi diện mạo của miền đất hứa, đồng thời mở ra cơ hội học tập và việc làm cho những người trẻ muốn gắn bó với thành phố này.

(Nguồn: Swinburne Việt Nam)

Phát biểu của học viên khi tham gia khóa học luyện thi HSK tại FLEC – USSH

15 Tháng Sáu, 2022Học tập,Tin tức - Sự kiện(0)

FLEC – USSH đã thành lập được 20 năm và đã đánh dấu nhiều thành công về đào tạo ngoại ngữ và kỹ năng mềm.  Hầu hết các khóa học tổ chức cho các doanh nghiệp hoặc tuyển sinh tự do tổ chức tại Trung tâm đều nhận được đánh giá cao của học viên.

Sau thời gian  gián đoạn vì dịch Covid,  đến nay Trung tâm đã chính thức khởi động trở lại và khóa học đầu tiên cho  kỳ tuyển sinh tự do này là khóa “ Luyện thi chứng chỉ HSK3 “ cho sinh viên chuẩn bị tham dự kỳ thi lấy chứng chỉ HSK3 do Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQG tổ chức để làm chuẩn đầu ra tốt nghiệp đại học.  

Sau khi hoàn thành khóa học, một trong số những học viên tham gia khóa học đã có  phát biểu tích cực về khóa học .

Với kết quả này đã đánh dấu sự trở lại đầy hy vọng  và  sẽ tiếp tục gặp hái những thành công rực rỡ mà  trong quá khứ đã làm được.

FLEC – USSH liên tục tuyển sinh và tổ chức các khóa học ngoại ngữ các thứ tiếng và Softskill cho các tổ chức và cá nhân có nhu cầu trên toàn quốc.  Các khóa học được thiết kế theo hình thức “IN HOUSE” nên  có tính ứng dụng cao.

Các đơn vị quan tâm liên hệ để được tư vấn chi tiết.

Hotline: 0888.227398

Email: ttnn.xhunv@vnu.edu.vn

Website: www.ngoaingu-duhoc.com.vn

Nữ sinh Việt giành giải học sinh quốc tế xuất sắc ở Australia

2 Tháng Sáu, 2022Tin tức - Sự kiện(0)

Nguyễn Lý Tâm Như đạt thứ hạng cao trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông tại Australia và được bang New South Wales vinh danh.

Cơ quan Giáo dục bang New South Wales (NSW) tổ chức trao giải Sinh viên Quốc tế của các trường công lập tại bang này hồi cuối tháng 4. Giải thưởng công nhận thành tích nổi bật của học sinh quốc tế, những đóng góp đáng kể của họ cho trường học, cộng đồng; đồng thời vinh danh các trường và nhân viên trong việc hỗ trợ học sinh nước ngoài.

Nguyễn Lý Tâm Như. Ảnh chụp màn hình
Nguyễn Lý Tâm Như. Ảnh chụp màn hình

Nguyễn Lý Tâm Như (Ly Tam Nhu (Ruby) Nguyen) đoạt giải Thành tích học tập xuất sắc (Academic Achievement Award) – giải thưởng trao cho những em có thành tích nổi bật. Tâm Như là Đội trưởng học sinh quốc tế tại trường Trung học Bonnyrigg ở thành phố Sydney. Nữ sinh đạt thứ hạng ATAR 99,85 trên 99,95.

ATAR là thước đo thứ hạng giữa các học sinh cùng dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông tại Australia, quyết định việc bạn vào được trường đại học nào dựa trên nguyện vọng đăng ký. ATAR cao nhất mà một người có thể đạt được là 99,95. Nếu bạn đạt điểm ATAR 70, nghĩa là bạn đã hoàn thành tốt hơn 70% học sinh trong năm đó.

Nguyễn Lý Tâm Như (thứ ba từ trái sang) chụp ảnh cùng các đại diện cơ quan Giáo dục bang NSW tại lễ trao giải cuối tháng 4. Ảnh: DE International
Nguyễn Lý Tâm Như (thứ ba từ trái sang) chụp ảnh cùng các đại diện cơ quan Giáo dục bang NSW tại lễ trao giải cuối tháng 4. Ảnh: DE International

43 học sinh đến từ 16 trường công lập khác nhau trong bang được đề cử cho các giải thưởng. Các em đến từ nhiều quốc gia gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Việt Nam, Campuchia, Ấn Độ, Nam Phi và Philippines.

Ngoài giải này, bang New South Wales còn trao các hạng mục Lãnh đạo (Leadership Award) và Vượt khó (Resilience Award) lần lượt cho một nữ sinh đến từ Trung Quốc và Campuchia.

 (Theo Đại sứ quán Australia, DE International)

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Bài viết mới

  • Bế giảng lớp tiếng Anh giao tiếp của cán bộ công chức Bộ KHCN
  • Luyện thi chứng chỉ tiếng Trung HSK3 & HSKK cho kỳ thi 21/8/2022 của Đại học Ngoại ngữ -ĐHQG tổ chức.
  • Luyện thi chứng chỉ tiếng Anh Aptis chất lượng. Khóa ôn tập và thi tổ chức thường xuyên trong tuần.
  • Phát biểu của học viên khi tham gia khóa học luyện thi HSK tại FLEC – USSH
  • Đào tạo KỸ NĂNG CHĂM SÓC KHÁCH HÀNG cho công ty đang hoạt động về Logistics

Lịch Khai Giảng

  • Tuyển sinh lớp tiếng Trung tháng 6 & 7/2022
  • Thông tin tuyển sinh các khóa học tiếng Nhật
  • Lich khai giảng các khóa học ngoại ngữ tháng 6&7/2022
  • LỊCH KHAI GIẢNG KHÓA TIẾNG HÀN  7/2022

Đăng ký tư vấn






    THỐNG KÊ

    0000771
    Visit Today : 6
    Total Visit : 771

    TRUNG TÂM NGOẠI NGỮ VÀ HỢP TÁC ĐÀO TẠO

    Địa chỉ: Phòng 104 & 105 Nhà B (Trường Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn)

    Số 336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội

    Điện thoại: 0243 558 6694 / 0243 558 9437 /Hotline: 0888227398

    E-mail: ttnn.xhnv@vnu.edu.vn/ ussh.edu@fpt.vn

    Website: http://www.ngoaingu-duhoc.com.vn

    THÔNG TIN HỮU ÍCH

    • Học tập
    • Du học
    • Thư viện ảnh
    • Tuyển dụng
    • Câu hỏi thường gặp

    MẠNG XÃ HỘI

    Educator WordPress Theme Coppyright @2022 Trung tâm ngoại ngữ