Kí kết biên bản ghi nhớ: Cơ sở cho sự hợp tác lâu dài, hiệu quả giữa trường ĐHKHXH&NV với Hiệp hội DN Nhỏ và vừa TP Hà Nội
Chiều ngày 22/4/2022, PGS.TS Đào Thanh Trường (Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) đã chủ trì lễ kí kết Biên bản ghi nhớ giữa trường với Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội. Cùng dự có PGS.TS Đặng Thị Thu Hương (Phó Hiệu trưởng), hiệu trưởng trường THPT Chuyên KHXH&NV, thủ trưởng các đơn vị, phòng ban trực thuộc.
Tham dự lễ kí có lãnh đạo các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội: Ngân hàng SHB, Học viện Chiến lược và Nhân sự Kingsman, Viện Kinh tế và Phát triển doanh nghiệp, Tập đoàn Life Core, Tập đoàn Liên doanh Hồng Thái, do ông Mạc Quốc Anh (Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội) làm Trưởng đoàn.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Đào Thanh Trường đã cảm ơn sự quan tâm của ban lãnh đạo Hiệp hội DN Nhỏ và vừa TP Hà Nội đối với trường ĐHKHXH&NV. Lễ kí kết biên bản ghi nhớ ngày hôm nay chính là hiện thực hóa những trao đổi, thống nhất mà hai bên đã tiến hành rất tích cực trong thời gian qua. Trên cơ sở khung thỏa thuận này hai bên sẽ tiến hành các hoạt động, dự án hợp tác cụ thể trên nhiều mảng: tài trợ học bổng về học tập và nghiên cứu khoa học, hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất của nhà trường, tư vấn hướng nghiệp tham gia đào tạo, nâng cao kĩ năng cho sinh viên, đồng hành trong những hoạt động phục vụ cộng đồng… Sự tham gia của các doanh nghiệp không chỉ giúp phát huy hết thế mạnh, nguồn lực của cả hai bên mà còn giúp nhà trường có thể có những thông tin phản hồi đáng tin cậy để đổi mới, nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo, đáp ứng tốt yêu cầu của xã hội về nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đại diện cho Hiệp hội, ông Mạc Quốc Anh chia sẻ: việc mở rộng hợp tác, đồng hành cùng với các cơ sở giáo dục là chiến lược quan trọng mà lãnh đạo các DN thuộc Hiệp hội hết sức quan tâm, đây không chỉ là cơ hội để gia tăng thêm nguồn lực, vì sự phát triển của DN mà còn là trách nhiệm với xã hội. Trường ĐHKHXH&NV là một trung tâm đào tạo bậc ĐH, sau đại học và nghiên cứu khoa học hàng đầu của cả nước, chính vì vậy chúng tôi rất mong muốn được đồng hành cùng với nhà trường trong việ cung cấp địa chỉ thực tập thực tế cho sinh viên, đào tạo thêm kĩ năng cần thiết để các em có thể tìm kiếm được việc làm phù hợp sau khi tốt nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ để chuyển giao những sáng kiến, thành tựu nghiên cứu của các thầy cô giáo trở thành những sản phẩm có ích cho xã hội. Với thế mạnh của trường, dư địa hợp tác giữa hai bên là rất lớn và tôi tin hai bên sẽ hợp tác rất thành công.
Phó Hiệu trưởng Đặng Thu Hương cũng chia sẻ thêm: trường ĐHKHXH&NV là một trong hai đơn vị trong cả nước có đào tạo chính quy về ngành báo chí (từ cử nhân đến tiến sĩ), bên cạnh đó là đông đảo cựu sinh viên của nhà trường đang công tác tại các cơ quan báo chí lớn trong cả nước, trường cũng có quan hệ đối tác chiến lược với nhiều báo, đài cơ quan ngôn luận trung ương và thành phố Hà Nội (báo Nhân dân, VOV, Đài Truyền hình Hà Nội,…). Vì vậy, thông qua các dự án hợp tác với nhà trường, các DN thuộc Hiệp hội có thể quảng bá, lan tỏa hình ảnh, sản phẩm của mình tới công chúng cả nước. Sau lễ kí kết này, hai bên sẽ bắt tay ngay vào việc triển khai một số hoạt động cụ thể, và chúng tôi mong muốn các DN thuộc Hiệp hội sẽ đồng hành cùng chúng tôi ngay trong đợt tuyển sinh đại học năm nay, sẽ diễn ra trong tháng tới.
TS Lương Ngọc Vinh (Phó phòng phụ trách phòng Hợp tác và phát triển) trình bày nội dung của Biên bản ghi nhớ đã được hai bên trao đổi, thống nhất.
Kết thúc buổi làm việc, hai bên đã tiến hành kí kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN và Hiệp hội DN Nhỏ và vừa thành phố Hà Nội.
Đại diện ban lãnh đạo nhà trường đã trao kỉ niệm chương cho đại diện Hiệp hội và chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tham dự.
Tác giả bài viết: Hạnh Quỳnh
Trường đại học tuyển sinh đầu vào Cao học bằng hình thức phỏng vấn
Từ tháng 6.2022, Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) áp dụng phương thức tuyển sinh đầu vào Cao học bằng hình thức đánh giá hồ sơ và phỏng vấn thí sinh cho toàn bộ 44 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ.
Hình thức mới này sẽ thay thế nội dung thi truyền thống trước khi gồm thi viết luận 2 môn cơ bản và cơ sở, mỗi môn 180 phút.
Theo PGS.TS. Đặng Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng nhà trường: “Qua quá trình phỏng vấn, nhà trường sẽ đánh giá được thí sinh toàn diện hơn về kiến thức, các kỹ năng giao tiếp, tư duy cũng như động lực học tập, bên cạnh kết quả điểm số thể hiện trong hồ sơ ứng tuyển. Đồng thời, nhà trường cũng nắm được tâm tư, nguyện vọng và kế hoạch học tập, nghiên cứu và phát triển của thí sinh để có thể đồng hành, hỗ trợ học viên tốt hơn trong quá trình học tập sau này tại trường, nếu học viên đáp ứng các yêu cầu xét tuyển. Đây cũng là phương thức tuyển sinh sau đại học được các trường đại học hàng đầu trên thế giới áp dụng nhiều năm nay”.
Năm 2022, Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn có nhiều chính sách mới hỗ trợ người học và thu hút nguồn đầu vào chất lượng cao. Nhà trường áp dụng chính sách tuyển thẳng đặc biệt, theo đó, sinh viên bằng khá trở lên của tất cả các ngành đã kiểm định theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc các tổ chức kiểm định có uy tín trên thế giới (AUN-QA, ABET…) đều được tuyển thẳng Cao học, chẳng hạn các ngành Văn học, Tâm lý học, Xã hội học, Chính trị học, Lịch sử, Việt Nam học, Quốc tế học và Lưu trữ học.
Sinh viên bằng giỏi trở lên không chỉ được tuyển thẳng theo ngành đúng mà còn được lựa chọn để tuyển thẳng vào các ngành phù hợp. Chẳng hạn, tốt nghiệp bằng Giỏi ngành Du lịch, Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành, Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống đều được xét tuyển thẳng ngành Du lịch. Sinh viên ngành Chính trị học, Xây dựng đảng và chính quyền nhà nước, Quản lý Nhà nước, Quan hệ quốc tế được xét tuyển thẳng ngành Chính trị học, hoặc Hồ Chí Minh học. Sinh viên bằng Giỏi trở lên ngành đúng hoặc ngành phù hợp đều được đăng ký dự tuyển tiến sĩ.
Bên cạnh đó, có 13 chuyên ngành đặc thù sẽ tuyển đầu vào thí sinh tất cả các ngành (sau khi học chuyển đổi bổ túc kiến thức), gồm: Báo chí học (định hướng ứng dụng), Chính sách công; Chính trị học (định hướng ứng dụng); Công tác xã hội (định hướng ứng dụng); Du lịch học; Khoa học thông tin thư viện (định hướng ứng dụng); Lí luận, lịch sử điện ảnh truyền hình; Quản lí KHCN (định hướng nghiên cứu); Quản lí KHCN (định hướng ứng dụng); Quản lí văn hóa; Quản trị văn phòng (định hướng ứng dụng); Quản trị báo chí truyền thông; Tôn giáo học (định hướng ứng dụng).
Với thế mạnh của trường đại học hàng đầu trong nghiên cứu, đào tạo các ngành khoa học xã hội và nhân văn của Việt Nam, nhà trường có nhiều chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy công bố quốc tế và hỗ trợ đào tạo tiến sỹ, trong đó, tổ chức nhiều hội thảo quốc tế và xuất bản kỷ yếu có chỉ số ISBN bằng tiếng nước ngoài.
Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, nhà trưởng mở cổng tuyển sinh sau đại học cho thí sinh đăng ký online và ứng viên chỉ phải nộp văn bản hồ sơ sau khi thi đỗ, trúng tuyển vào trường.
Hơn 2,8 triệu bài thi an toàn giao thông của học sinh tiểu học
Hơn 1.500 giải thưởng đã được trao cho giáo viên và học sinh tiểu học có bài thi về an toàn giao thông xuất sắc nhất trên cả nước.
Lễ trao giải Hội giao lưu “An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ” cấp Quốc gia dành cho giáo viên và học sinh tiểu học năm học 2021-2022 mới diễn ra.
“An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ” nằm trong khuôn khổ chương trình giáo dục An toàn giao thông dành cho học sinh bậc Tiểu học. Chương trình do Công ty Honda Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Cục Cảnh sát giao thông – Bộ Công An phối hợp thực hiện từ năm 2008.
Đại diện ban tổ chức cho biết, sau 5 tháng phát động, hội giao lưu đã nhận hơn 2,8 triệu bài tham dự của học sinh (tăng 1,32 lần so với năm học 2020-2021) và hơn 250 nghìn bài tham dự của giáo viên (tăng gần 1,14 lần so với năm học 2020 – 2021).
“Nhiều bài thi có chất lượng cao, công phu và sáng tạo cho thấy sự quan tâm của giáo viên và học sinh về an toàn giao thông, cũng như sức hút của cuộc thi ngày càng lớn”, đại diện ban tổ chức nhận định.
Cơ cấu giải thưởng gồm 9 giải Nhất, 18 giải Nhì, 30 giải Ba và 1.200 giải Khuyến khích cho học sinh; 1 giải Xuất sắc, 9 giải Nhất, 20 giải Nhì và 280 giải Khuyến khích dành cho giáo viên.
Sau vòng 1, ban tổ chức chọn ra 27 học sinh và 30 giáo viên có bài thi xuất sắc nhất. Trong đó, 30 giáo viên được lựa chọn tại Vòng 1 sẽ tham dự thi tiếp Vòng 2. Tại đây, các thí sinh sẽ thực hiện tiết giảng mẫu và quay video với nội dung xây dựng kế hoạch bài giảng theo tinh thần đổi mới phương pháp dạy học và giảng dạy thử nghiệm ở địa phương.
Được tổ chức hằng năm, chương trình nhằm trang bị cho các em những kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn ngay từ khi còn nhỏ, từ đó tự bảo vệ và phòng tránh tai nạn giao thông, góp phần tạo dựng xã hội giao thông lành mạnh tại Việt Nam. Đến nay, chương trình này đã mở rộng quy mô ra toàn quốc với hơn 27 triệu lượt học sinh Tiểu học được đào tạo về an toàn giao thông.
Chương trình cũng tạo thêm hứng thú và khuyến khích các thầy cô giáo, các em học sinh tích cực, chủ động tìm hiểu và khám phá các kiến thức về an toàn giao thông. Đây là sân chơi tìm hiểu kiến thức về luật giao thông đường bộ, các kỹ năng tham gia giao thông an toàn cũng như khuyến khích các em đưa ra những ý tưởng học tập, tuyên truyền về an toàn giao thông.
Với các thầy cô, đây cũng là nơi khuyến khích những sáng kiến đổi mới để chương trình giáo dục về an toàn giao thông thêm hấp dẫn và hiệu quả.
Chương trình cũng là cơ hội để các thầy cô gặp gỡ, chia sẻ những khó khăn và học hỏi kinh nghiệm giảng dạy an toàn giao thông, từ đó đổi mới và nâng cao chất lượng giảng dạy an toàn giao thông tại nhà trường.
Chương trình “An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ” có sự đồng hành của Honda Việt Nam, hướng tới mục tiêu Chiến lược Quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 của Chính Phủ: “Không còn thương vong do tai nạn giao thông”.
Hai đại học dự kiến thi năng khiếu vào tháng 7
Thuộc nhóm trường đào tạo các môn liên quan nghệ thuật, hai đại học Kiến trúc Hà Nội và Mỹ thuật Công nghiệp sẽ tổ chức thi năng khiếu vào giữa tháng 7.
Đầu tháng 5, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội công bố đề án tuyển sinh đại học 2022. Ngoài bốn phương thức như năm ngoái, gồm: Tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT (áp dụng với ngành không thi năng khiếu), xét học bạ, thi tuyển kết hợp với thi năng khiếu; lần đầu tiên trường Kiến trúc xét tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Nếu sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh tự do không bắt buộc dự thi năm 2022, mà có thể dùng kết quả thi năm 2020, 2021. Tuy nhiên, trong trường hợp này, thí sinh phải có điểm xét tuyển tối thiểu bằng điểm chuẩn của ngành/nhóm ngành đã đăng ký vào năm tương ứng trước đó.
Với xét học bạ, thí sinh phải đạt tổng điểm trung bình 5 kỳ (trừ kỳ II lớp 12) của ba môn trong tổ hợp xét tuyển từ 18 trở lên, trong đó điểm mỗi môn trong ba kỳ cuối không dưới 5.
Riêng với các ngành yêu cầu tổ hợp V00 (Toán, Lý, Vẽ mỹ thuật), H00 (Văn, Hình họa mỹ thuật, Bố cục trang trí màu), Đại học Kiến trúc Hà Nội sẽ tổ chức thi năng khiếu, thời điểm dự kiến từ 10 đến 13/7. Trừ Vẽ mỹ thuật nhân hệ số hai, các môn còn lại không nhân hệ số.
Trường bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển tại mọi phương thức từ 5/5 đến 17/6.
Năm nay, chỉ tiêu cho 18 ngành và nhóm ngành là 2.180, bằng năm 2021. Trong đó, nhóm 1 gồm các ngành Kiến trúc, Quy hoạch vùng và đô thị lấy nhiều chỉ tiêu nhất – 500, kế đó là nhóm 3 gồm Thiết kế nội thất, Điêu khắc lấy 250. Đây đều là những ngành mũi nhọn, đặc trưng của trường.
Về điểm chuẩn 2021, với những ngành xét thang điểm 30 của Đại học Kiến trúc Hà Nội, Công nghệ đa phương tiện (Công nghệ thông tin) cao nhất – 25,25, tăng 4 điểm so với năm 2020. Kỹ thuật xây dựng, Công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng lấy điểm chuẩn 19, cũng là ngưỡng thấp nhất. Các ngành còn lại phổ biến 20-22.
Ngoài ra, trường cũng có hai nhóm ngành tính điểm thang 40, trong đó Kiến trúc lấy cao nhất – 28,85, kế đó Quy hoạch vùng và đô thị 27,5.
Đại học Mỹ thuật Công nghiệp cũng dự kiến thi năng khiếu vào tháng 7. Theo kế hoạch tuyển sinh năm 2022, trường Mỹ thuật Công nghiệp sẽ tổ chức thi Bố cục màu vào chiều 26/7, còn sáng 27/7 thi Hình họa.
Các môn này nằm trong tổ hợp H00 (Văn, năng khiếu 1, năng khiếu 2) và H07 (Toán, năng khiếu 1, năng khiếu 2). Cả 7 ngành của Đại học Mỹ thuật Công nghiệp đều xét tuyển theo một trong hai tổ hợp này, nên trường chỉ sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp.
Thí sinh dùng điểm trung bình Văn hoặc Toán của năm học kỳ (trừ kỳ II lớp 12) cùng điểm thi hai môn năng khiếu. Điểm xét tuyển là tổng điểm ba môn, trong đó hai môn năng khiếu nhân đôi, sau đó được quy đổi về thang điểm 30. Điểm thi năng khiếu cần đạt tối thiểu 5.
Chỉ tiêu tuyển sinh 2022 là 525, cao hơn 100 so với năm ngoái. Thiết kế đồ họa tuyển nhiều nhất – 165, Thiết kế nội thất 130. Đại học Mỹ thuật Công nghiệp nhận hồ sơ từ 5/5 đến hết 10/6.
Năm ngoái, trường lấy điểm chuẩn 17-21,38. Thiết kế Đồ họa cùng với Thiết kế thời trang từ 20 trở lên, các ngành còn lại chủ yếu 18-19, trong đó Gốm và Thiết kế công nghiệp thấp nhất.
Nữ sinh Việt giành giải học sinh quốc tế xuất sắc ở Australia
Nguyễn Lý Tâm Như đạt thứ hạng cao trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông tại Australia và được bang New South Wales vinh danh.
Cơ quan Giáo dục bang New South Wales (NSW) tổ chức trao giải Sinh viên Quốc tế của các trường công lập tại bang này hồi cuối tháng 4. Giải thưởng công nhận thành tích nổi bật của học sinh quốc tế, những đóng góp đáng kể của họ cho trường học, cộng đồng; đồng thời vinh danh các trường và nhân viên trong việc hỗ trợ học sinh nước ngoài.
Nguyễn Lý Tâm Như (Ly Tam Nhu (Ruby) Nguyen) đoạt giải Thành tích học tập xuất sắc (Academic Achievement Award) – giải thưởng trao cho những em có thành tích nổi bật. Tâm Như là Đội trưởng học sinh quốc tế tại trường Trung học Bonnyrigg ở thành phố Sydney. Nữ sinh đạt thứ hạng ATAR 99,85 trên 99,95.
ATAR là thước đo thứ hạng giữa các học sinh cùng dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông tại Australia, quyết định việc bạn vào được trường đại học nào dựa trên nguyện vọng đăng ký. ATAR cao nhất mà một người có thể đạt được là 99,95. Nếu bạn đạt điểm ATAR 70, nghĩa là bạn đã hoàn thành tốt hơn 70% học sinh trong năm đó.
43 học sinh đến từ 16 trường công lập khác nhau trong bang được đề cử cho các giải thưởng. Các em đến từ nhiều quốc gia gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Việt Nam, Campuchia, Ấn Độ, Nam Phi và Philippines.
Ngoài giải này, bang New South Wales còn trao các hạng mục Lãnh đạo (Leadership Award) và Vượt khó (Resilience Award) lần lượt cho một nữ sinh đến từ Trung Quốc và Campuchia.
(Theo Đại sứ quán Australia, DE International)
Chuyên gia bàn về công nghệ giáo dục thông minh hậu Covid-19
Chuyên gia từ tổ chức giáo dục ClassIn, HOCMAI, Teky, IEG Global, Do Ventures… sẽ chia sẻ về xu hướng giáo dục tương lai hậu Covid-19 tại Triển lãm Công nghệ Giáo dục ngày 18/6.
Triển lãm công nghệ giáo dục (Classroom Technology Exhibition 2022 – CTE 2022) được tổ chức bởi ClassIn – công ty cung cấp giải pháp giáo dục trực tuyến chuyên nghiệp. Hội thảo quy tụ hơn 15 doanh nghiệp, các nhà quản lý, khởi nghiệp giáo dục uy tín trong và ngoài nước.
Qua sự kiện lần này, ClassIn mang đến không gian giao lưu, trao đổi cho các nhà giáo dục để xây dựng cộng đồng giáo dục có tầm nhìn xa, vượt qua khủng hoảng. Triển lãm có chủ đề: “Thị trường giáo dục Việt Nam hậu Covid-19 sẽ có gì?”.
Đại diện ban tổ chức cho biết, Covid-19 gây ra nhiều tác động tiêu cực nhưng cũng là cơ hội cho nhiều tổ chức, cộng đồng giáo dục với những mô hình sáng tạo ra đời. Ví dụ như Hệ thống giáo dục Hocmai đã nhanh chóng triển khai sản phẩm lớp học trực tuyến một kèm một ngay khi dịch bệnh vừa xảy ra để học viên tiếp tục lộ trình học gần như không bị gián đoạn.
“Khi đứng trước những nguy cơ đột ngột khiến việc dạy học bị gián đoạn, những người làm giáo dục càng cần phải đổi mới, sáng tạo, sẵn sàng trải nghiệm, tiếp thu công nghệ mới để giải quyết vấn đề”, ông Đỗ Văn Nhẫn, Giám đốc chiến lược tại ClassIn chia sẻ.
Theo đó, chuyên gia, giáo viên, những người làm giáo dục ở cả Việt Nam và quốc tế sẽ gặp gỡ, kết nối, tìm kiếm ý tưởng mới và cùng nhau bàn luận về tương lai của ngành giáo dục, cũng như khám phá công nghệ giáo dục tân tiến, cách đưa câu chuyện dạy và học đến một tầm cao mới.
Chương trình có sự tham gia của 8 diễn giả truyền cảm hứng từ nhiều đơn vị, nền tảng khác nhau để cùng xây dựng một bức tranh ngành nghề toàn diện. Trong đó có Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu – CEO và đồng sáng lập IEG Global, tổ chức với 10 dự án giáo dục đã tác động đến hơn 1,5 triệu học sinh và giáo viên tại hơn 1000 trường học trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, triển lãm còn có bà Đào Lan Hương – Chủ tịch của Teky, học viện đào tạo STEAM với 16 chi nhánh trên cả nước, ông Nguyễn Ngô – Giám đốc phát triển sản phẩm của hệ thống giáo dục Hocmai thuộc Galaxy Education, và ông Vương Nhật Anh – đại diện từ quỹ đầu tư Do Ventures, nhà đầu tư của các ứng dụng dạy học trực tuyến nổi tiếng như Manabie, Vuihoc, Ringle.
Các diễn giả tại triển lãm của ClassIn sẽ cùng phân tích những giải pháp công nghệ khác nhau, tác động của chúng đến học sinh, giáo viên như thế nào; đồng thời, thảo luận về những mô hình tiềm năng sẽ trở thành tương lai của ngành giáo dục Việt Nam. Buổi thảo luận sẽ được dẫn dắt bởi bà Đậu Thuý Hà – Chủ tịch của OMT, công ty mẹ của Kidsonline – hệ thống quản lý vận hành trường mầm non được hơn 1200 trường mẫu giáo trên toàn quốc tin dùng.
Ngoài ra, đến với triển lãm, người tham dự có thể tận mắt tìm hiểu về các mô hình phòng học thông minh, mô hình học tập kết hợp bởi FPT và BenQ; Hệ thống quản lý học tập (LMS) của Cohota – top 5 các nhà khởi nghiệp Việt được bình chọn bởi VnExpress; cách các trường học và trung tâm có thể quản lý hoạt động hiệu quả với hệ thống quản lý quan hệ khách hàng (CRM) trình bày bởi DotB và OMT; khám phá các nguồn tài nguyên sẵn có để đưa vào giảng dạy, được cung cấp bởi Macmillan, Global Exam và mangoSTEEMS.
Nền tảng trực tuyến hỗ trợ giáo viên tự học
Nền học tập trực tuyến “Cùng học” xây dựng hàng trăm bài học để giúp các giáo viên tự nâng cao kiến thức và chuyên môn sư phạm.
Cùng học ra đời trong bối cảnh giáo viên đang gặp rất nhiều áp lực trong việc thích ứng với sự thay đổi liên tục của thời đại Internet và ảnh hưởng từ Covid-19. Một số chương trình quốc tế trở thành giải pháp cấp bách nhưng còn hạn chế về yếu tố gắn kết về mặt văn hóa. Do đó, các giáo viên chưa đủ năng lực về chuyên môn sư phạm cũng như khả năng ngoại ngữ trở nên lạc lõng và bối rối trước luồng thông tin vô hạn trên không gian mạng.
Từ đó, nhóm trí thức trẻ gồm các thành viên: Hoàng Anh Đức, Hoàng Giang Huỳnh Anh, Phạm Minh Anh, Hồ Tường Linh, cùng đồng đội đã cho ra đời dự án “Cùng học” nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ này. Trưởng nhóm dự án – anh Hoàng Anh Đức là chuyên gia nghiên cứu về đổi mới phương pháp dạy và học, phát triển năng lực lãnh đạo trường, bất bình đẳng trong giáo dục.
Nội dung chính của Cùng học bao gồm các bài học thiết kế xoay quanh ba trụ cột: cách học, dạy và thiết kế sư phạm. Giáo viên từ khắp nơi có thể đăng ký học tập miễn phí trên nền tảng này. Mỗi bài học cô đọng 3-5 phút với ít nhất một kiến thức có thể áp dụng ngay vào thực tế. Đồng thời, các khóa học này không giới hạn số lượng người học.
“Ưu điểm của nền tảng này là dung lượng bài học nhỏ, cập nhật liên tục, có thể học qua nhóm và hội thảo cùng chuyên gia; nội dung dễ hiểu, áp dụng và hình thành thói quen học tập. Với tính cá nhân hóa, giáo viên triển chuyên môn của bản thân”, anh Hoàng Anh Đức chia sẻ.
Biết đến “Cùng học” qua mạng Internet trong quá trình tìm kiếm tài liệu, anh Nguyễn Hoàng Mạnh (tỉnh Thanh Hóa) đánh giá “Cùng học” là một giải pháp tốt giúp bản thân nâng cao năng lực giảng dạy. Khi có thời gian, anh từng học liên tục, bất kể ngày nghỉ. Sau mỗi bài học, nam giáo viên áp dụng luôn vào lớp đang giảng dạy, sau đó, chia sẻ lại cho đồng nghiệp.
“Các bài học được nhóm dự án thiết kế ngắn gọn, khoa học và có thể thực hành được ngay. Rất đông bạn bè đồng nghiệp của tôi trên cả nước cũng đã biết đến dự án này và đều cảm thấy hữu ích”, anh Mạnh nói thêm.
“Cùng học” là một trong năm công trình xuất sắc của cuộc thi “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2021 do Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long và báo Tuổi trẻ tổ chức. Tham gia cuộc thi, nhóm tác giả dự án cho biết đây là cơ hội để họ thể hiện năng lực chuyên môn, ý tưởng sáng tạo, có thêm sự kết nối, gia tăng năng lượng làm việc, cống hiến.
Năm 2021, “Tri thức trẻ vì giáo dục” đã quy tụ 1.555 công trình là sáng kiến của 827 tác giả và nhóm tác giả. Đồng hành cùng cuộc thi trong 6 năm, ông Trịnh Văn Hào – Giám đốc Marketing Tập đoàn Thiên Long cho biết đơn vị luôn dốc sức để đóng góp cho ngành giáo dục vì tin rằng ngành sẽ tạo ra những thay đổi lớn cho xã hội.
Theo ông, Tập đoàn Thiên Long hướng tới hỗ trợ con người, giải quyết những vấn đề cụ thể. Ví dụ, hàng năm, ngoài hướng đến trí thức trẻ, đơn vị tôn vinh các thầy cô giàu nghị lực đang dạy học ở vùng sâu vùng xa, hỗ trợ các thí sinh thi đại học qua chương trình “Tiếp sức mùa thi” và tăng cường giáo dục về ý thức môi trường cho học sinh.