Thực hiện công văn số 4260/ĐHQGHN-ĐT ngày 26/12/2019 của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội về việc triển khai Đề án “Tăng cường dạy tiếng Việt trên mạng trực tuyến cho người Việt Nam ở nước ngoài”, ngày 13/06/2022, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã có buổi báo cáo tiến độ triển khai 6 tháng đầu năm 2022. Phó Giám đốc thường trực ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải và Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn đồng chủ trì buổi làm việc.
Mục tiêu của Đề án là xây dựng và duy trì chương trình dạy tiếng Việt trên mạng trực tuyến (gồm 6 trình độ) căn bản thiết thực, hiệu quả, phù hợp dễ tiếp cận cho người Việt Nam ở nước ngoài, nhằm giúp các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là thế hệ trẻ có đủ vốn tiếng Việt để thường xuyên sử dụng, góp phần duy trì và phát huy ý thức hướng về cội nguồn, tình cảm hướng về quê hương, đất nước, giữ gìn bản sắc dân tộc.
Các thành viên Ban Đề án của Trường ĐH KHXH&NV báo cáo tiến độ Đề án
Trong 6 tháng đầu năm qua, Trường ĐH KHXH&NV đã và đang tiến hành một số nội dung công việc, cụ thể là: Nghiên cứu nội dung, xây dựng chương trình và ngữ liệu chỉnh ngữ âm tiếng Việt thực hành; nghiên cứu nội dung, xây dựng chương trình và tài liệu giảng dạy tiếng Việt trên mạng trực tuyến qua tài liệu văn hóa nghệ thuật; nghiên cứu nội dung, xây dựng chương trình và tài liệu giảng dạy tiếng Việt trên mạng trực tuyến qua tài liệu khoa học, kĩ thuật, công nghệ; nội dung, xây dựng chương trình và tài liệu giảng dạy tiếng Việt trên mạng trực tuyến qua tài liệu khoa học xã hội và nhân văn; nghiên cứu nội dung và xây dựng sổ tay tiếng Việt ẩm thực trên mạng trực tuyến; nghiên cứu nội dung và xây dựng sổ tay tiếng Việt thương mại trên mạng trực tuyến; nghiên cứu nội dung và xây dựng sổ tay tiếng Việt du lịch trên mạng trực tuyến; nghiên cứu nội dung và xây dựng sổ tay giao tiếp tiếng Việt thông dụng trên mạng trực tuyến.
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV Đặng Thị Thu Hương cho biết, Nhà trường đang gấp rút đẩy nhanh các công tác để kịp ra mắt một số
hợp phần của Đề án vào tháng 9/ 2022.
Từ năm 2023, Trường ĐH KHXH&NV sẽ phối hợp với Trường ĐH Công nghệ để chuyển đổi các chương trình dạy học từ nền tảng VTVLive sang LMS của ĐHQGHN. Nhà trường mong muốn ĐHQGHN có thể thành lập Ban điều phối chung của Đề án để tiếp tục có những kế hoạch vận hành trong lâu dài.
Phó Giám đốc thường trực ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải và Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn nhất trí với đề xuất của Nhà trường
Đại diện Ban Giám đốc ĐHQGHN nhấn mạnh yêu cầu Nhà trường cần đảm bảo về mặt chất lượng chuyên môn của các nội dung trong Đề án và tích cực phối hợp hơn nữa với các đơn vị trong ĐHQGHN để đảm bảo tiến độ ra mắt một số hợp phần vào tháng 9 tới.
Trước đó, ngày 09/12/2021, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn đã có buổi làm việc với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao để thông báo về các hoạt động mà ĐHQGHN đang tiến hành để xây dựng Kênh đào tạo tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài. Tham dự buổi làm việc có Đại sứ Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao và Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV Hoàng Anh Tuấn.
Tác giả bài viết: VNU Media