‘Phao cứu trợ’ sinh viên nghèo khi học phí tăng mạnh

Sinh viên nghèo có thể tiếp cận học bổng, chính sách miễn giảm học phí hoặc các gói vay tín dụng không lãi suất trong bối cảnh học phí tăng mạnh.

Học phí đại học năm học 2022-2023 tăng mạnh khi áp dụng Nghị định 81/2021. Mức trần học phí các trường tăng từ 300.000 đồng đến 10,2 triệu đồng/năm. Do phần lớn đại học công lập đang thực hiện tự chủ, mức thu có thể cao hơn 2-2,5 lần so với mức trần. Ở khối tư thục, phần lớn trường tăng 10-15% so với năm ngoái theo lộ trình.

Học phí tăng, phụ huynh thêm gánh nặng trong khi nhiều thí sinh phải từ bỏ ngành và trường ước mơ do không kham nổi chi phí. Nhằm hỗ trợ người học, nhiều đại học cam kết trích nguồn thu để cấp học bổng, miễn giảm học phí cho sinh viên nghèo.

Tại Đại học Y Hà Nội, học phí ngành Y Dược tăng 71% so với năm trước, ở mức 24,5 triệu đồng một năm. Các ngành hệ cử nhân cũng tăng 29%, lên 18,5 triệu đồng. PGS-TS Lê Đình Tùng, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo (Đại học Y Hà Nội) cho biết, dù đã áp dụng mức trần theo Nghị định 81, mức học phí mới vẫn thấp hơn nhiều so với chi phí đào tạo. Những năm sau, khi trường tự chủ hoàn toàn, học phí sẽ tiếp tục tăng.

Để đảm bảo cơ hội học tập cho sinh viên, ông Tùng cho biết trường sẽ đẩy mạnh hợp tác doanh nghiệp và quốc tế, tìm kiếm nhiều nguồn tài trợ. Sinh viên nghèo được miễn, giảm học phí theo quy định.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng tăng học phí một tín chỉ lên 440.000 đồng (hệ đại trà) và 1,32 triệu đồng (hệ chất lượng cao), tương đương 60-70% mức thu năm ngoái. Hiện, trường chưa đưa ra mức học bổng cụ thể cho năm tới, nhưng dự kiến tăng tương đương mức học phí mới.

Hàng năm, Học viện đều có chính sách học bổng và miễn, giảm học phí. Ví dụ, trong năm học 2019-2020, học phí mỗi kỳ của hệ đại trà khoảng 3,9-4,8 triệu đồng, tùy từng khóa. Học bổng dao động 4-5,3 triệu đồng dành cho ba loại khá, giỏi, xuất sắc. Đến năm 2020-2021 khi học phí tăng lên 3,8-7,2 triệu đồng mỗi kỳ, mức hỗ trợ học bổng cũng nhiều hơn trước, ở mức 5-6,5 triệu đồng.

Tại Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, trường cấp học bổng toàn phần trong bốn năm học cho hệ đào tạo nhân tài với sáu lớp, 130 chỉ tiêu. Các ngành thuộc hệ này gồm Robot và trí tuệ nhân tạo, Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật ôtô, Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, trường còn cấp học bổng khuyến tài cho thí sinh có tổng điểm thi tốt nghiệp THPT ba môn xét tuyển từ 26 trở lên, mỗi điểm tương ứng một triệu đồng. Đây là những cơ hội săn học bổng cho học sinh nghèo, học giỏi, đạt thành tích cao.

Trong mùa tuyển sinh mới, nhiều trường cam kết dành hàng chục tỷ đồng cấp học bổng. Đại học Sư phạm Kỹ thuật dành 36 tỷ đồng, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP HCM) dự kiến dành hơn 15 tỷ đồng hỗ trợ tân sinh viên nghèo, sinh viên có kết quả học tập, rèn luyện tốt. Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch duy trì quỹ học bổng mang tên giáo sư, bác sĩ Dương Quang Trung, hỗ trợ cho các sinh viên.

Sinh viên Đại học Sài Gòn trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Mạnh Tùng
Sinh viên Đại học Sài Gòn trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Mạnh Tùng

Ngoài học bổng, chính sách miễn giảm học phí, sinh viên có thể vay tín dụng với lãi suất ưu đãi. Hồi tháng 3, Thủ tướng có quyết định sửa đổi, bổ sung về tín dụng cho học sinh, sinh viên. Theo đó, sinh viên thuộc các hộ nghèo, cận nghèo hoặc có mức sống trung bình được vay tối đa 4 triệu đồng/tháng để học tập (tăng 1,5 triệu so với 2019).

Theo tính toán, chi phí học tập (gồm cả học phí và sinh hoạt phí) của một học sinh, sinh viên hiện khoảng 6,5-9,5 triệu đồng một tháng. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, mức cho vay 4 triệu đồng – bằng 61% mức chi học tập tối thiểu và 42% mức chi phí học tập tối đa của học sinh, sinh viên – là phù hợp.

Theo Ngân hàng Chính sách xã hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo, số sinh viên có nhu cầu vay vốn chiếm khoảng 10-15% số lượng nhập trường hàng năm. Số học sinh, sinh viên có việc làm sau khi ra trường chiếm tỷ lệ 68% với thu nhập trung bình 6 triệu đồng/tháng.

12 tháng kể từ ngày kết thúc học, sinh viên được vay vốn phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên. Nhưng các em cũng có thể trả nợ trước hạn mà không chịu lãi phạt.

Ngoài ra, các đại học cũng có quỹ hoặc nguồn kinh phí riêng ưu đãi cho sinh viên. Chẳng hạn, Đại học Quốc gia TP HCM có quỹ phát triển, cho sinh viên khó khăn vay ưu đãi học tập với lãi suất 0%. Hiện, hàng trăm sinh viên đã tiếp cận được nguồn vay này.

Ngoài ra, trường còn hỗ trợ 35% học phí cho sinh viên thuộc 9 ngành tại trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn trong giai đoạn đầu tự chủ. Do đó, mức học phí các ngành này chỉ còn 13 triệu đồng/năm trong năm 2022-2023, thấp hơn so với mức trung bình 18-20 triệu đồng.

Trong khi đó, Đại học Sư phạm Kỹ thuật đang xây dựng quỹ học bổng với sự đóng góp của cựu sinh viên, doanh nghiệp và các tổ chức trong xã hội. PGS-TS Nguyễn Trường Thịnh, Phụ trách trường, cho biết ngoài việc cấp học bổng cho sinh viên học giỏi, quỹ sẽ cho những em nghèo vay vốn cho đến khi ra trường.

“Khi đã đỗ vào trường, nhà trường cam kết tìm những cách khác nhau để không sinh viên nào phải bỏ học giữa chừng vì khó khăn tài chính”, ông Thịnh nói.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *